Trung tâm thể thao của cộng đồng Việt Nam tại Berlin

Cúp luân lưu 2009

Địa điểm luyện tập của CLB hiện nay: 
Hagenstr. 26 D-10365 Berlin,

Chú ý: bắt đầu từ 09.09.2017 (dự kiến đến 02.09.2018), thời gian luyện tập giảm xuống như sau: thứ bảy từ 15:00 đến 22:00 và chủ nhật từ 16:00 đến 22:00

Cúp luân lưu 2009

    

Từ chuỗi ngày dài u ám, nhiệt độ cắt da, cắt thịt đến trên dưới -20 độ của một mùa đông thế kỷ, đột nhiên lại có được vài tiếng đồng hồ nắng vàng tỏa xuống ấm áp, khiến cho lòng người sảng khoái hơn, tâm hồn tươi tắn hơn… để sẵn sàng bước vào những thử thách mới!

Vì lý do sân bãi sửa chữa nên Cúp luân lưu 2009 phải tổ chức vào đầu năm 2010. Vâng, đó là ngày 31.01.2010; ngày CLB bóng bàn VN Berlin tổ chức „Giải luân lưu truyền thống, lần thứ II“.

Đồng hồ trên tường Halle đã chỉ 12:30 giờ, trên sân vẫn còn vài cây vợt cầu lông đang tập luyện; mà các VĐV bóng bàn của CLB đã tề tựu khá đông. Những nụ cười thân thiện, hiền hòa; những lời thăm hỏi đầy ắp tình đồng hương… làm cho mọi người như đang đứng giữa lòng quê hương, trong một ngày hội!?

 

Và 13:00 giờ đã tới, các VĐV cầu lông bắt đầu rời khỏi sân, những chiếc bàn thi đấu cũng nhanh chóng được các VĐV CLB kê đều đặn thành 3 dãy, mỗi dãy có 3 bàn; và mọi người vui vẻ thay phiên nhau tập dợt, làm nóng để chuẩn bị cho các trận đấu sắp tới.

Bên trong văn phòng ban tổ chức cũng bận rộn không kém về điểm danh, sắp xếp sao cho hoàn chỉnh để chia bảng thi đấu.

Đúng 13:30 giờ, ban tổ chức khóa sổ phần đăng ký, tụ họp tất cả các VĐV lại và tuyên bố „Giải luân lưu truyền thống, lần thứ II“ bắt đầu. Lúc này thì khúc thăm hỏi dạo đầu đã biến mất, nhường chỗ cho sự tập trung cao độ trong từng trận đấu. Tại vòng đầu tiên tất cả VĐV trong cùng bảng sẽ thi đấu vòng tròn, mỗi người gặp mỗi người; để chọn ra 2 VĐV có số điểm cao nhất bước vào vòng kế tiếp.

Đặc biệt của năm nay là có sự tham gia của một VĐV cao gần 2 mét, tóc vàng, mắt xanh… gốc Đức hẳn hòi, nhưng tên của anh là Minh. Vâng đó là Olaf Baumann, một người rất gần gũi với dân Việt trong mọi hoạt động cộng đồng. Anh vẫn thường tâm sự: „Tuy sanh ra ở Đức, lớn lên ở Đức và sống trên đất Đức… nhưng tôi luôn cảm thấy mình là người Việt Nam“.

Trình độ và kỹ thuật của Minh khá tốt, sử lý bóng cẩn thận đầy kiên nhẫn. Anh thường nâng bóng lên cao để đối thủ „đập“ thoải mái cho đến khi không đập nổi nữa và tự làm lỗi; với chiến thuật này Minh đã dễ dàng vượt qua 2 vòng đầu. Tới vòng thứ 3 khi chỉ còn 8 VĐV đấu chéo và loại trực tiếp, tại đây Minh gặp một nữ VĐV thiếu niên tên Nguyễn Lan Anh 16 tuổi. So với Minh thì nhỏ xíu, nhưng Lan Anh lại có lối chơi vô cùng quyết liệt, với cú giật phải nhanh như chớp, bỏ hẳn bên trái, tận dụng từng thời cơ khi Minh nâng bóng cao là cô „tiêu“ ngay… Vào trận đầu tiên Minh đã có vẻ coi thường địch thủ; ở trận này Minh thua Lan Anh khá nặng: 11:4. Bước vào trận thứ 2, những nụ cười vui vẻ của Minh cũng mất lần khi trở nên căng thẳng vì tập trung cao độ; để rồi cuối cùng Minh lại cười vang, bó tay chịu thua Lan Anh trong tâm phục, với tỷ số 1:3.

Và từ những trận đấu khác cũng đã chọn ra được 3 VĐV thắng cuộc để bước vào vòng thứ 4 gồm 4 người là: Nguyễn Lan Anh, Nguyễn Trọng No, Hồ Anh Tiệp và Nguyễn Duy Khiêm. Ở vòng này Nguyễn Lan Anh lại thắng tiếp Nguyễn Trọng No và Nguyễn Duy Khiêm đã thắng Hồ Anh Tiệp. Kết qủa này đã định giải rõ thêm một bước nữa là Hồ Anh Tiệp sẽ gặp Nguyễn Trọng No để tranh hạng ba và tư; còn Nguyễn Lan Anh gặp Nguyễn Duy Khiêm tranh hạng nhất, nhì.

Ở vòng cuối cùng này những chiếc bàn đã được dọn đi hết để chỉ còn lại 1 bàn duy nhất, giúp cho phần tập trung của khán giả vào sự xuất sắc của 4 VĐV trong trận chung kết càng nâng lên cao. Những pha bóng căng thẳng đến ngột thở, những tràng pháo tay khen ngợi và những nụ cười rạng rỡ… của VĐV cũng như người xem đã làm nên một „Giải luân lưu truyền thống, lần thứ II“ thành công trong kết qủa chung cuộc:

  • Hạng nhất: Nguyễn Duy Khiêm
  • Hạng nhì: Nguyễn Lan Anh
  • Hạng ba: Hồ Anh Tiệp
  • Hang Tư: Nguyễn Trọng No

31.01.2010

Lộc Khuê